(CTTĐT) - Ngày 15/03, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững. Dự hội nghị có Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Vũ Quốc Bình; Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Vũ Trọng Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị GDNN và giải quyết việc làm bền vững là diễn đàn đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát triển GDNN cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Thông qua hội nghị này nhằm kết nối, nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động gắn với giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa các cơ sở giáo dục, GDNN, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp. Đây còn là dịp để đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đối với các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cơ sở GDNN, doanh nghiệp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, gắn kết GDNN với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm và đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng để cung ứng lao động đã có những chuyển biến rõ nét và mang tính đột phá nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế. Việc học và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng thì công tác giải quyết việc làm, đào tạo nguồn lao động có vai trò quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, hội nghị giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững được tổ chức là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực và mang tính đột phá, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay, cần được tổ chức thường xuyên nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng nghề nghiệp, giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động khu vực miền Trung và trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường đại học với doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực theo phương châm cùng trao đổi, đồng hành, cùng phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị các sở, ngành, đoàn thể; cấp ủy, chính quyền các cấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp cần tiếp thu, đổi mới tham mưu UBND tỉnh việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm phát triển đào tạo nghề và giải quyết của địa phương; tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường lao động nhằm định hướng công tác đào tạo, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm đồng thời hỗ trợ cung ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Qua đó, tập trung phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Muốn làm được điều đó các cơ sở đào tạo phải có sự đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chuyển đổi số với việc cải tiến chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động để mở rộng ngành, nghề và xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường công tác thông tin về vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến với các cơ sở đào tạo và người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh gắn kết đào tạo và trực tiếp tuyển dụng nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và chất lượng cao của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm việc làm ổn định, chất lượng.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã thông tin về định hướng, xu hướng, bảo đảm, kiểm định, đánh giá, công nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin về xu hướng việc làm dưới tác động của công nghiệp 4.0 và một số định hướng giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động khu vực miền Trung và trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, một số nhà đầu tư lớn đang và sắp đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Kim Long Motors Huế, Công ty TNHH AEONMALL Huế... đã thông tin đến hội nghị về nhu cầu việc làm, định hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực trong thời gian tới ở các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh...
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Thông qua hội nghị mang tầm quốc gia lần này còn góp phần định hướng về phát triển GDNN và giải quyết việc làm trong tình hình mới, hợp tác đào tạo, giới thiệu việc làm giữa các cơ sở GDNN với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình EPS, Chương trình IM Japan.
Dịp này, đã công bố quyết định thành lập và ra mắt Hội đồng Tư vấn giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Đây là mô hình quản lý mới, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động GDNN trên địa bàn, thúc đẩy hợp tác đào tạo, giới thiệu việc làm. Mô hình này còn nhằm gắn kết chặt chẽ GDNN giữa Nhà nước với doanh nghiệp, đáp ứng cung - cầu lao động, tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. (ảnh dưới)