Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế - 2024
Ngày cập nhật 20/09/2024

Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế - 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại hội nghị
Tại hội nghị
 
 

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn, trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và thiên tai, đạt được những kết quả khả quan, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch đã được đầu tư mạnh mẽ, việc khôi phục và nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế đã đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam. Du lịch là một trong những ngành  có tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế tỉnh cao nhất và Du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội Du lịch đã tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp du lịch trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề cho việc hợp tác phát triển du lịch, đưa thêm nhiều nguồn khách đến Thừa Thiên Huế. Phát triển du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế hướng tới trong năm 2024 và đặc biệt trong năm 2025 Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; du lịch Thừa Thiên Huế rất cần có sự chung tay, giúp sức của các địa phương liên kết, các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, bản thân ngành du lịch của từng địa phương không thể hoạt động hoàn chỉnh nếu thiếu sự hợp tác của những ngành và các địa phương khác và sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Việc liên kết hợp tác theo nhiều hình thức để phát triển du lịch sẽ cho phép khai thác, phát huy được nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác của địa phương, của các ngành và các doanh nghiệp cho phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn được nghe những trao đổi, thảo luận thẳng thắn của lãnh đạo các Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng như lắng nghe ý kiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành để Lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá trong việc thu hút khách du lịch đến Huế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới như kỳ vọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của địa phương để tạo tiền đề cho công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm, chương trình du lịch. Định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch – “Huế - kinh đô văn hóa – di sản” thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của Thừa Thiên Huế, gắn với các địa phương di sản miền Trung. Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, hội nghị... Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của địa phương.

Qua đó, phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường tự nhiên và xã hội, tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Hội nghị với sự tham dự của 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm, các hình thức quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; nêu lên những nội dung về xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa truyền thống Cố đô song song với việc nghiên cứu, làm mới, phát triển các sản phẩm du lịch đã có để phục vụ cho nhu cầu đã có nhiều thay đổi của khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Chọn lựa các sản phẩm làm nên thương hiệu của Du lịch Cố đô Huế.

Theo các đại biểu, Ngành Du lịch  Thừa Thiên Huế cần tạo ra các hoạt động Văn hóa – Lễ hội khác nhau của từng vùng, tổ chức vào các thời gian khác nhau trong năm, để góp phần đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố của Lễ hội truyền thống Việt Nam. Để khách đến với Huế vào thời điểm nào trong năm cũng có thể được thưởng thức các lễ hội, các hoạt động du lịch gắn với làng nghề, ẩm thực. Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến quảng bá để đáp ứng nhu cầu cao của những người có nhu cầu du lịch.

Xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố thương hiệu du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Qua việc định vị hình ảnh, truyền tải thông điệp rõ ràng, đồng bộ, nhất quán về giá trị và đặc trưng của điểm đến, sản phẩm du lịch của địa phương sẽ góp phần không chỉ xây dựng hình ảnh tích cực trong tâm trí du khách, thu hút khách mà còn thu hút sự đầu tư, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế của ngành Du lịch địa phương và của quốc gia. Góp phần đưa hình ảnh du lịch Huế ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững cũng như tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.

Giới thiệu các sản phẩm du lịch tại hội nghị

 

Nguồn:thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.770.124
Truy cập hiện tại 3.733