Tìm kiếm tin tức
Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Ngày cập nhật 25/07/2022
Sáng ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan tham dự.
Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị
Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị
 

 

Trình bày sự cần thiết về việc lập quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, tại Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Quy hoạch bố trí lại dân cư, sắp xếp hình thành các cụm ngành sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”…

Theo đó, để có cơ sở triển khai công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo định hướng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, cần thiết phải lập Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (theo định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), làm căn cứ để lập các đồ án Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh báo cáo tại Hội nghị

Đối với mô hình không gian hành chính đô thị, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, không gian tỉnh Thừa Thiên Huế có thể nhìn nhận gồm 2 tiểu vùng kinh tế - xã hội: (1) Tiểu vùng phát triển, nằm ven biển đất đai bằng phẳng, có biển và phá Tam Giang thuận lợi cho phát triển kinh tế, có các trục giao thông trọng yếu của quốc gia đi qua, được coi là Tiểu vùng phát triển; (2) tiểu vùng sinh thái, nằm về phía Tây Nam, có địa hình trung du và miền núi, hạ tầng khó phát triển, dân cư thưa thớt, là khu vực thuận lợi phát triển các lĩnh vực kinh tế sinh thái đặc thù, gọi là Tiểu vùng sinh thái.

Cấu trúc đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm (hoặc khu vực dự kiến thành lập quận) và các đô thị vệ tinh ngoài vùng phát triển tập trung, được kết nối bằng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.

Kết luận tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực thực hiện đạt các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra, đời sống, thu nhập của người dân ngày được nâng cao. Đặc biệt là, cùng với sự phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bảo tồn, phát huy được những giá trị riêng có, đặc cù của một đô thị Cố đô.

Nhấn mạnh sự cần thiết việc quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung rà soát, đảm bảo tính thống nhất của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Trong đó, nội dung quy hoạch cần nêu rõ các giá trị yếu tố đặc thù trong việc tổ chức, xây dựng không gian đô thị Thừa Thiên Huế. Đồng thời làm rõ quan điểm kế thừa của quy hoạch đã được phê duyệt; hướng đến xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới./.

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.815.204
Truy cập hiện tại 74