Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tăng cường hợp tác hướng tới chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng
Ngày cập nhật 26/11/2020

Tăng cường hợp tác hướng tới chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng

26/11/2020

Ngày 26/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức hội nghị trực tuyến về Bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Ông Marcoluigi Corsi, Phó Giám đốc Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, đại diện Ủy ban Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em trong ASEAN (ACWC) của các nước thành viên ASEAN, đại diện của cơ quan chuyên ngành ASEAN trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, đại diện Văn phòng UNICEF tại các nước thành viên ASEAN, đại diện các Bộ, ngành, hội, hiệp hội cùng các tổ chức quốc tế có liên quan…

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban thư ký ASEAN và UNICEF trong khuôn khổ Kế hoạch công tác giai đoạn 2016 – 2020 của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) trong bối cảnh ngày càng gia tăng nguy cơ trẻ em bị bắt nạt tại trường và trên mạng. Hội nghị với mục tiêu tăng cường nhận thức về tình hình bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng hiện nay trên thế giới nói chung và tại các nước thành viên ASEAN nói riêng. Hội nghị cũng sẽ chia sẻ và trao đổi về các điển hình tốt và đề xuất một số khuyến nghị đối với các cơ quan chuyên ngành ASEAN có liên quan để giải quyết vấn đề này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của UNICEF, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ đã dành sự hỗ trợ cho các hoạt động về thúc đẩy quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt tại trường và trên môi trường mạng nói riêng.
chon-IMG-8244.jpg
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị tất cả các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về những điển hình tốt trên thế giới và trong khu vực ASEAN nhằm giải quyết tình trạng trẻ em bị bắt nạt tại trường học và trên môi trường mạng, đồng thời đề xuất sáng kiến tăng cường hợp tác giữa Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em và các cơ quan chuyên ngành khác trong ASEAN, giữa các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới, hướng tới chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng, tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, vượt qua thách thức, cùng nhau xây dựng một khu vực ASEAN phát triển, lấy con người là trung tâm, lấy đầu tư cho trẻ em là động lực phát triển đảm bảo gắn kết và chủ động thích ứng cao nhất.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có đại diện các em nhỏ tới từ các quốc gia thành viên ASEAN, tại đây, các em đã nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề về bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng. Bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng sẽ dẫn tới những mặc cảm, tự ti và gây ra nhiều hành động tiêu cực, nhất là đối với trẻ em đang trong độ tuổi phát triển. Chính điều đó ảnh hưởng tới trẻ em hơn những gì mọi người từng nghĩ.
Bắt nạt và bạo lực học đường khiến cho trường học không còn là nơi an toàn với trẻ em nữa. Đôi khi, bản thân các em cũng không ý thức được hành động của mình là bắt nạt người khác mà chỉ nghĩ đó là những trò đùa. Bên cạnh đó, bản thân những nạn nhân bị bắt nạt cũng không dám lên tiếng để tự bảo vệ mình. Các đại biểu nhỏ tuổi cho rằng cần phải có tiêu chí rõ ràng cho việc xác định trường hợp nào là bắt nạt trường học và cần làm cho trường học trở thành một nơi thực sự an toàn cho mọi trẻ em.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid 19, việc tham gia các lớp học trực tuyến đang khiến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc bắt nạt và quấy rối trẻ em trên mạng đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt khi trên môi trường mạng những cá nhân có thể nặc danh và sẽ không biết ai là người thực hiện hành vi bắt nạt. Bên cạnh đó, tác động của mạng xã hội cũng rất lớn khi những tin nói xấu có khả năng lan truyền rất nhanh khi nhiều người tò mò vào xem, để lại comment và chia sẻ những thông tin này. Điều này có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với các em nhỏ bị bêu xấu vì những thông tin xấu trên mạng lại trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của các em ngoài cuộc sống thực…
chon-IMG-8245.jpg
Các em nhỏ nói lên tiếng nói của mình tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ những quan điểm của mình về những vấn đề bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng trong ASEAN. Các đại biểu cũng được chia sẻ về một số số liệu liên quan tới tình trạng bắt nạt tại trường học và trên môi trường mạng trong ASEAN và những thách thức và cơ hội nhìn từ quan điểm khu vực trong giải quyết bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng. Đồng thời trao đổi về những cơ hội hợp tác trong giải quyết tình trạng bắt nạt trẻ em tại trường học, trên môi trường mạng và đề xuất hợp tác cũng như các bước tiếp theo cho xây dựng kế hoạch làm việc của ACWC Việt Nam và ASEAN.
Hội nghị được tổ chức trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Ủy ban được thành lập vào ngày 07/4/2010 tại Hà Nội, Việt Nam, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16. Theo đó, Ủy ban ACWC được thành lập từ năm 2010 với mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng. ACWC bao gồm 20 đại diện của các Quốc gia thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, trong đó mỗi nước cử 02 đại diện. Mỗi đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai. ACWC họp định kỳ 2 lần/năm.

Nguồn: Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội

Sông Hương
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.808.926
Truy cập hiện tại 3.360