Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là nhiệm vụ cấp thiết và mang tính đột phát trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh về nội dung này. Nguyễn Bách thực hiện.
Xin ông cho biết, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường?
Là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, lao động, việc làm, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp để thúc đẩy, đổi mới công tác đào tạo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp và linh hoạt hơn để phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, mũi nhọn.
Việc tập trung đẩy mạnh chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng nhất là các điều kiện về chương trình, về nhà giáo, cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với đặc thù Việt Nam và tiếp cận các nước trong ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20 được xem là yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng GDNN.
Tăng cường phát triển mạng lưới các tổ chức kiểm định và đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDNN; xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn nghề quốc gia đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn nghề khu vực ASEAN, APEC; đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; đàm phán, công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở GDNN, người lao động và doanh nghiệp (DN) tham gia đào tạo cũng như việc phân bổ và sử dụng tài chính theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN tạo động lực cho xã hội tham gia vào hoạt động này.
Mặt khác, đẩy mạnh phân cấp quản lý, trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, trong đó tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN; xây dựng các chiến lược, chương trình, đề án phát triển GDNN.
Công tác hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động, làm “cầu nối” giữa người lao động, cơ sở GDNN và DN sử dụng lao động được ngành lao động triển khai ra sao?
Trong những năm, qua công tác hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động làm “cầu nối” giữa người lao động, cơ sở GDNN và DN sử dụng lao động được ngành lao động đặc biệt quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức khác nhau.
Trong đó, tập trung tổ chức các hoạt động kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động và các cơ sở GDNN thông qua “Ngày hội tư vấn, tuyển sinh”, “Ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng”; “Ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao động kết nối DN”; “Phiên giao dịch việc làm”, “Sàn giao dịch việc làm” (được tổ chức vào ngày 05 và 20 hàng tháng) và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm hàng tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở.
Ngoài ra, các thông tin tuyển dụng của các DN, tổ chức, cá nhân đã được Trung tâm dịch vụ việc làm phổ biến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử tại địa chỉ website: sldtbxh.thuathienhue.gov.vn, www.vieclamhue.vn, facebook, zalo nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp. Cũng trên hệ thống này, người lao động cũng có thể tự đăng tải thông tin người tìm việc, giúp người lao động có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm được việc làm, đồng thời giúp DN có thể chủ động lựa chọn lao động đáp ứng được yêu cầu.
Song song với hoạt động giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH còn thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương, các Trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở GDNN… tổ chức các ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng và các phiên giao dịch việc làm chuyên đề kết nối người lao động, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm phù hợp ở các các DN có nhu cầu tuyển lao động trong và ngoài tỉnh.
Cùng với việc kết nối cung - cầu lao động trong nước, Sở đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài được xem là một kênh giải quyết việc làm có hiệu quả cho người lao động góp phần giảm áp lực việc làm ở trong nước và sẽ tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao sau khi hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định và tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Xác định được tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự đồng hành của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, năm 2019, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ 20/63 tỉnh thành, tăng 10 bậc so với 2018. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh tăng 28 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cao nhất từ trước đến nay (7.35) và là chỉ cao nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh. Thê hiện các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh ngày càng tiếp cận nguồn nhân lực dàng hơn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những kết quả đạt được trong việc nâng cao chỉ số đào tạo lao động là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nguồn lao động góp phần vào mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN và các DN tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch về đào tạo nghề hàng năm. Tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của GDNN đối với toàn xã hội. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường, cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng với sự phát triển nhanh và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Đồng thời, hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở GDNN trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển cơ sở GDNN, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại tỉnh Thừa Thiên Huế… Thường xuyên thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các DN để xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.
Đối với các cơ sở GDNN, nhất là các trường trung cấp, cao đẳng, cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức đào tạo đa dạng. Tăng cường gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của DN thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường gắn rất chặt với DN. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động…
Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận TTHC của Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện nỗ lực của ngành trong tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm. Đến nay, lĩnh vực lao động - việc làm có 118 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tất cả các thủ tục đều thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” với quy trình thực hiện việc giải quyết TTHC theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 áp dụng cho việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trong từng khâu rõ ràng, chính xác đảm bảo việc trả kết quả giải quyết TTHC đúng và trước hạn. Trong đó, mức độ 3 là 72 thủ tục và mức độ 4 là 46 thủ tục. Việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC có thể thực hiện tại nhà, tại cơ quan, đơn vị, công ty hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mà không cần đến Sở LĐ-TB&XH... |
Nguồn: Vietnam Business Forum