Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thừa Thiên Huế xây dựng đô thị thông minh
Ngày cập nhật 04/12/2020

Là một trong năm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, đô thị thông minh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận trình độ quản lý của các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) sau khi khung Chính phủ điện tử (CPĐT) được ban hành. Triển khai CQĐT, năm 2017, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện tại các huyện, thị xã và thành phố. Đây là nơi duy nhất tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giúp người dân có thể đăng ký các thủ tục hành chính, thực hiện thanh toán trực tuyến, đồng thời đăng ký tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được bốn cấp, trong đó có ba cấp ở địa phương và hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỷ lệ hơn 95%. Mô hình cổng/trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông cấp tỉnh đến cấp xã được tỉnh triển khai. Hệ thống cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt hơn 60% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mô hình CPĐT, chỉ số phát triển CPĐT cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc: năm 2017 xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố. Với những kết quả đó, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng CQĐT, ứng dụng CNTT vào công tác điều hành, quản lý cũng như công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, thực hiện các dịch vụ công ngay từ cấp cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh xác định ứng dụng CNTT là một thế mạnh, là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng, quảng bá nền hành chính nhà nước phục vụ người dân một cách thân thiện, hiện đại, với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ đó tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm và định hướng của Thừa Thiên Huế là xây dựng CQĐT phải song hành với ĐTTM, do đó, tỉnh đã triển khai những bước đi ban đầu để phát triển ĐTTM. Theo đó, tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Thực hiện đề án, tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ ĐTTM Hue-S, do Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) điều hành. Giám đốc Trung tâm IOC Nguyễn Dương Anh cho biết: Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 8-2018 và là đầu mối triển khai các hệ thống dịch vụ ĐTTM theo cơ chế dùng chung, phân quyền chia sẻ. Trung tâm có nhiệm vụ triển khai các dịch vụ, tiếp nhận thông tin đầu vào từ xã hội, phân tích, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Hiện, Trung tâm đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp ca-mê-ra giám sát đô thị; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin và giám sát tàu cá. Có 150 cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia các dịch vụ này. Trung tâm IOC hình thành đã giúp chính quyền đô thị các cấp giám sát, xử lý giao thông hiệu quả; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công của người dân; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm IOC đã xử lý khoảng hơn 7.000 phản ánh của người dân và nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng ĐTTM tại Thừa Thiên Huế. Sau khi triển khai giải pháp “Phản ánh hiện trường”, với quy trình phối hợp và xử lý phản ánh hoàn thiện, trở thành một công cụ quan trọng nhằm hướng đến sự thành công đề án “Ngày chủ nhật xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động. Với những hiệu quả thực tế, Hue-S đã được Ban tổ chức Giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 (Telecom Asia Awards 2019) vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á và đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ cho rằng, để có ĐTTM phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt. Lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng CQĐT và ĐTTM là có một mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Để nâng cao hiệu quả xây dựng CQĐT và phát triển dịch vụ ĐTTM, Thừa Thiên Huế rất quan tâm vấn đề hạ tầng kỹ thuật CNTT. Hiện tỉnh đã có chủ trương triển khai theo hướng hạ tầng dùng chung, tuy nhiên tỉnh chỉ đầu tư đối với những hạ tầng có tính chất cốt lõi, còn lại sẽ thực hiện thuê dịch vụ trong phát triển hạ tầng CNTT. Việc này nhằm giảm gánh nặng ngân sách đầu tư, thuận tiện trong quản lý và bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống. Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Để làm được việc này, đòi hỏi có sự tham gia từ nhiều thành phần, trong đó sự tham gia tích cực của xã hội, nhất là người dân, doanh nghiệp.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.643.714
Truy cập hiện tại 2.651