Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
NHỮNG VĂN BẢN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH MỚI
Ngày cập nhật 11/10/2018

Hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020:

Theo Thông tư mới, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo.

Trong đó, việc ước lượng thu nhập được tính trên cơ sở phân tích kết quả thống kê và điều tra mức sống hộ gia đình, thực hiện quy định từ mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng sang các mức điểm số tương ứng khi thực hiện rà soát và đánh giá tài sản, cụ thể:

- 700.000 đồng tương đương 120 điểm;

- 900.000 đồng tương đương 140 điểm;

- 01 triệu đồng tương đương 150 điểm;

- 1,3 triệu đồng tương đương 175 điểm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/11/2018.

Bộ GDĐT: Học sinh không được viết, vẽ vào sách giáo khoa:

Ngày 24/09/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
 
Tại Chỉ thị này, Bộ giao các Sở tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng không sử dụng hiệu quả, gây lãng phí.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị giữ bản quyền in ấn sách giáo khoa hiện nay cần phải đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập.

Yêu cầu đối với địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm:
Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành ngày 17/09/2018.
 
Theo Nghị định mới, địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm;

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định cũng bỏ quy định chủ cơ sở, người trực tiếp giết mổ, sơ chế phải có Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe; Cơ sở phải có nước sử dụng cho giết mổ, sơ chế đáp ứng các quy định kỹ thuật tại QCVN 01:2009/BYT và có hệ thống thoát nước thải chảy từ khu vực yêu cầu vệ sinh cao…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 17/09/2018.

 

100% cán bộ sẽ được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm
 
Ngày 18/09/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
 
Chỉ thị nêu rõ, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng, còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước khi bổ nhiệm chức vụ, lãnh đạo…
 
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý:
 
- Bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định;
 
- Bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
 
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018.
 
Tiêu chuẩn công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia:
 
Ngày 22/08/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học.

Theo đó, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia khi có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành Chương trình tiểu học và đáp ứng các tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường, về cán bộ, giáo viên và học sinh, về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, về hoạt động và kết quả giáo dục… Cụ thể như:

- Có hòm thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh;

- Không có hiện tượng kỳ thị, hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật về bình đẳng giới;

- 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và ít nhất 95% giáo viên chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên;

- Đủ mỗi lớp một phòng học riêng, bàn ghế học sinh đúng tiêu chuẩn và đủ chỗ ngồi cho học sinh;

- Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt ít nhất 70%; tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 65%...

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

Ngày 17/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”…

Theo Nghị định này, gia đình được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa khi đáp ứng một số tiêu chuẩn như:

- Treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định;

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

- Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng (hôn nhân tự nguyện, một vợ, một chồng…);

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe;

- Kinh tế gia đình ổn định và phát triển từ nguồn thu nhập chính đáng;

- Có phương tiện nghe, nhìn và thường xuyên được tiếp cận thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nghị định cũng chỉ rõ, sẽ không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa đối với trường hợp gia đình có thành viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính; Không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/11/2018.

 

Ban Văn hóa - Thông tin - Theo Cổng thông tin điện tử TT. Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.646.348
Truy cập hiện tại 3.931