10 ĐIỂM NỔI BẬT CỦA LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
1. Công việc nội trợ được coi là có thu nhập
Trước nay việc người vợ hoặc chồng ở nhà nội trợ, chăm lo con cái thường bị xem nhẹ và không được coi như là một công việc thực sự. Do vậy khi cuộc sống hôn nhân không còn “cơm lành, canh ngọt” hay thậm chí là ly hôn thì quyền lợi của những người ở hậu phương này thường bị thiệt thòi.
Với những thay đổi đáng kể, Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất đã khẳng định, chia tài sản khi ly hôn ngoài nguyên tắc chia đôi còn tính đến công sức của vợ, chồng vào khối tài sản chung. Nhờ đó, câu hỏi “Ở nhà nội trợ có được chia tài sản khi ly hôn?” nay đã được giải đáp bằng một câu trả lời có giá trị pháp lý.
2. Không cấm kết hôn cùng giới tính
Cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của toàn xã hội về vấn đề kết hôn đồng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình đã bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính sinh học. Đây là một bước đệm lớn trong sự thay đổi tư duy của những người làm công tác lập pháp về người đồng giới.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn quy định rằng Nhà nước không thừa nhận kết hôn giữa những người cùng giới tính. Như vậy, mặc dù không cấm nhưng việc kết hôn và chung sống giữa những người đồng giới vẫn chưa được pháp luật bảo hộ và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vướng mắc khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
3. Cho phép mang thai hộ
Mang thai hộ là một chủ đề được quan tâm nhiều trong những năm gần đây, Luật Hôn nhân và Gia đình đã bắt kịp thực tế cuộc sống khi chính thức ban hành quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Với những điều luật đầy tính nhân văn, quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ cũng như người nhờ mang thai hộ đều được bảo vệ.
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định chi tiết tại Chương V Nghị định 10/2015/NĐ-CP. Điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được điều chỉnh tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP.
Chính thức cho phép mang thai hộ đã mở ra nhiều cơ hội cho những cặp vợ chồng mong mỏi có con và cũng là cơ chế pháp lý cần thiết để tránh việc mang thai hộ biến tướng thành “đẻ thuê”.
4. Con sinh ra sau ly hôn vẫn có thể là con chung
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định...
Đây là một quy định thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tiến bộ trong tư tưởng của pháp luật về hôn nhân gia đình. Quy định này được đặt ra trước hết bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi, rộng hơn là bảo vệ mọi bà mẹ và trẻ em trước những thay đổi không ngừng của xã hội.
5. Độ tuổi kết hôn
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên, nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
Việc nâng tuổi này là để thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Một trong những quy định mới của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là được áp dụng tập quán. Tập quán ở đây là quy tắc xử sự được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng, có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình.
Điều 7 của Luật này quy định rõ, trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng.
Việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình hiện nay được Chính phủ quy định chi tiết từ Điều 2 đến Điều 6 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
7. Quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khi cha mẹ ly hôn, con dưới 3 tuổi mẹ chưa chắc được nuôi (Điều 81). Nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau đây để quyết định:
- Khả năng đảm bảo các điều kiện về vật chất: Thu nhập, tài sản hay chỗ ở của mẹ có cố định, đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… cho con hay không?
- Khả năng đảm bảo các điều kiện về tinh thần: Mẹ có thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con có nhân cách đạo đức tốt hay không? Tình cảm mẹ dành cho con từ trước tới nay như thế nào?
8. Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn
Trước đây, theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Nay theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn.
Đó là khi vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức hay làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ mình gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
9. Vợ chồng được thỏa thuận về tài sản chung
Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Quy định này đảm bảo quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản và cho phép vợ, chồng tự bảo toàn khối tài sản riêng.
Trường hợp hai bên vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Nội dung thỏa thuận tài sản của vợ chồng được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Các trường hợp thỏa thuận không được pháp luật công nhận quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
10. Con từ đủ 7 tuổi được xem xét nguyện vọng khi cha mẹ ly hôn
Điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con thay vì phải từ đủ 09 tuổi như Luật Hôn nhân và Gia đình 2000.
Ngày 07/04/2017, Tòa án nhân tối cao đã có Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ, trong đó đáng chú ý là nội dung hướng dẫn việc lấy ý kiến con từ đủ 07 tuổi trở lên đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.
Theo đó việc lấy ý kiến, xem xét nguyện vọng con từ đủ 07 tuổi trở lên là nhiệm vụ bắt buộc của Tòa án; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện, gần gũi với trẻ em. Tuy vậy, Tòa án vẫn phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.