Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phòng, chống vi phạm pháp luật trong dịp tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019
Ngày cập nhật 25/01/2019
Ảnh Internet

       Thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm thường diễn biến phức tạp. Người dân cần cảnh giác các loại tội phạm thường gặp như trộm cắp, cướp giật; hay các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng pháo nổ,...

 

     

        Giáp tết được xem là khoảng thời gian “nóng” của tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trộm xe máy, móc túi… Đối tượng phạm tội thường hoành hành tại những nơi công cộng, nơi diễn ra lễ hội hoặc bọn chúng đột nhập vào nhà dân, khách sạn, nhà trọ, doanh nghiệp để trộm tiền bạc, các tài sản có giá trị.

       Bên cạnh đó, các loại tội phạm về cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật cũng xảy ra phổ biến. Loại tội phạm này thường xuất phát từ việc mắc nợ (kinh doanh thua lỗ, cờ bạc số đề, cá độ bóng đá,…), hết khả năng tài chính dẫn đến đi vay nặng lãi để trả nợ.

       Theo quy luật, dịp tết các đối tượng cho vay thường thu hồi các khoản nợ, con nợ có khả năng trả thì không sao, còn không có khả năng trả thì bọn chúng dùng đủ mọi cách để lấy nợ, thậm chí có những hành vi đòi nợ, đòi nợ thuê trái với quy định của pháp luật.

       Ngoài ra, tết cũng là thời điểm tội phạm cướp giật tài sản lộng hành. Các đối tượng cướp giật tài sản sẽ nhằm vào du khách; lợi dụng sơ hở  của những người mang trang sức, túi xách, sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông để ra tay.

       Luật pháp hiện hành cũng quy định rõ về việc cấm tàng trữ và đốt pháo, đặc biệt trong dịp lễ tết, nhưng người dân vẫn còn vi phạm. Một số người còn chủ quan cho rằng chỉ đốt một ít pháo cho xôm tụ thì không bị phạt và cũng không gây hậu quả gì. Thực tế đã xảy ra một số vụ gây thương tích, cháy nổ mà nguyên nhân do đốt pháo.

        Tại Điều 4 Nghị định 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo, nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ và pháo hoa, thuốc pháo. Ngay cả việc sử dụng vật liệu nổ để gây tiếng nổ thay pháo cũng bị nghiêm cấm.

       Theo quy định, hành vi sử dụng pháo có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền 1-2 triệu đồng và tịch thu tang vật. Còn đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo và thuốc pháo có thể bị phạt 4-8 triệu đồng, tịch thu tang vật. Trong trường hợp đốt pháo ở nơi công cộng, đông người hoặc đốt pháo ném vào người khác... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

       Ngoài việc đốt pháo thì việc sử dụng rượu, bia trong dịp tết đối với mọi người dân là không thể tránh khỏi, tuy nhiên tác hại của nó là rất lớn khi dễ dẫn đến hành động xử lý, giải quyết mâu thuẫn không đúng chuẩn mực, thậm chí gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

       Bên cạnh đó, một lỗi vi phạm hành chính thường xảy ra phổ biến trong dịp tết là điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn vượt quá quy định. Với lỗi này, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 4 triệu đồng đối với xe gắn máy và 18 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện là ôtô. Trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ trốn hoặc gây tai nạn do say rượu có thể bị xem xét xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

       Theo khuyến cáo Bộ Công an, để phòng tránh tình trạng mất trộm tài sản trong dịp tết, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trong việc bảo quản tài sản của mình. Nếu có điều kiện có thể trang bị camera, phương tiện báo động, chống trộm hiện đại để trông giữ tài sản. Điều cần lưu ý là khi tham gia các lễ hội, không nên mang theo nhiều nữ trang vì dễ bị cướp giật.

       Mặt khác, để ngăn chặn tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì mọi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, ý thức giữ gìn tài sản, đề phòng tội phạm trong dịp tết thông qua việc phòng ngừa, ngăn chặn thủ đoạn của bọn tội phạm. Bên cạnh đó, khi sử dụng rượu, bia cũng cần có giới hạn; nếu có mâu thuẫn xảy ra phải biết kiềm chế và báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không nên tự giải quyết vì khi không làm chủ được bản thân sẽ dễ dẫn đến hành vi đánh nhau gây thương tích, vừa dễ vi phạm pháp luật, vừa làm mất đi niềm vui trong những ngày tết.

 

 

Thái Xuân Nhân - Bộ phận Tư pháp - Hộ tịch
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.803.094
Truy cập hiện tại 919