Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Cố đô Huế trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày cập nhật 19/08/2020

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Cố đô Huế đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu và nhiều lĩnh vực khác.

(Nhân dân Thừa Thiên- Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn, Kinh thành Huế), ngày 23/8/1945)

Từ thế kỷ XVII, XVIII, Phú Xuân (Thừa Thiên Huế ngày nay) xuất hiện với vai trò là trung tâm chính trị, thủ phủ của Chúa Nguyễn, gắn với quá trình mở đất và xác lập chủ quyền biển, đảo ở Đàng Trong. Đây là chiếc cầu nối nhịp sống Bắc - Nam của đất nước; của quá khứ và hiện tại; của trí tuệ uyên bác cung đình và văn hóa dân gian; thủ phủ Đàng Trong đến Kinh đô của Triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Cũng từ đó, bắt đầu hình thành nên trung tâm văn hóa mới ở Phú Xuân sau Thăng Long, với vị thế rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Có Phú Xuân thời mở cõi xưa, nay chúng ta có Nam Bộ trù phú và thành đồng; có Phú Xuân thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, để chúng ta mãi tự hào về chiến thắng quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

Ở vào vị thế xung yếu của đất nước, người dân xứ Huế từ thời Thuận Hóa - Phú Xuân đã sớm ý thức và tự hào về lịch sử của mình, luôn chung lòng đoàn kết, khắc phục khó khăn, ra sức xây dựng và bảo vệ những di sản quý giá của mình; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Tháng 9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Huế trở thành trung tâm của các phong trào yêu nước, chống thực dân; nơi ghi dấu ấn hoạt động của các sĩ phu yêu nước nổi tiếng, như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng nhiều nhân sĩ yêu nước khác. Đặc biệt, đây là nơi bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước và quyết tâm cứu nước cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong khoảng thời gian 10 năm thời niên thiếu trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân Thừa Thiên Huế luôn anh dũng đấu tranh chống ách đô hộ, quyết giành độc lập, tự do; cùng với cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Thắng lợi của cách mạng ở Huế buộc vua Bảo Đại - vị Vua phong kiến cuối cùng của Việt Nam phải thoái vị, chấm dứt vai trò của Triều đình phong kiến nhà Nguyễn, góp phần quyết định thắng lợi có tính chất triệt để của Cách mạng Tháng Tám; Kinh đô Huế chuyển sang vai trò của một Cố đô.

Lịch sử Việt Nam đã luôn khẳng định: mọi sự chia cắt chỉ là tạm thời; thống nhất non sông, phát triển đất nước luôn là khát vọng, ý chí của dân tộc. Với khát vọng và ý chí đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế đã sớm tham gia củng cố, xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; đồng hành cùng dân tộc suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều chiến công vang dội cùng những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, mang tính quyết định ở mỗi bước ngoặt và thời cơ của cách mạng Việt Nam. Điển hình là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Huế đã ghi tên mình vào lịch sử các thành phố anh hùng của thế giới. Thắng lợi đó, đã tạo đà và tiền đề quan trọng để bảy năm sau, trong thế trận “Chặn Buôn Mê Thuột, rung cả Tây Nguyên, quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”, thắng lợi của Chiến dịch Huế (1975) đã làm địch suy yếu thêm một bước nghiêm trọng, tạo bước tiến thần tốc cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong quá trình đó, gắn với vai trò, vị trí của mình, Huế luôn là nhịp cầu nối trong biểu tượng của tình cảm keo sơn gắn bó Hà Nội - Huế - Sài Gòn; sự đoàn kết, ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất non sông; để dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương không còn là ranh giới Bắc - Nam theo âm mưu của kẻ thù xâm lược.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cố đô Huế đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước; tích cực phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quán triệt, thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, đô thị Huế đến năm 2020”, Tỉnh đã kiên trì thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; đầu tư phát triển kinh tế, xã hội hài hòa giữa các vùng; gắn phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,22%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp. Tỉnh tập trung phát triển dịch vụ theo hướng chuyên sâu và nâng cao chất lượng. Các loại hình dịch vụ thương mại vận tải tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm phát triển về quy mô và phạm vi hoạt động. Đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm trên 48,3% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng lượt khách đạt trên 5,1 triệu/năm, tăng 1,6 lần, doanh thu tăng bình quân 12%/năm. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng; công tác quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện; hình thành các khu du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế.

Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 10,72%/năm, đến năm 2020 chiếm 32,63% trong GRDP. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tập trung vào các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp nông thôn tăng bình quân 10%/năm. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút 148 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Để kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, Tỉnh tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từng bước phát triển, hình thành các vùng chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, triển khai, nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi trang trại tập trung, v.v. Nhờ đó, nông nghiệp tăng trưởng bình quân 0,64%/năm, đến năm 2020 chiếm hơn 10,8% trong GRDP. Kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, phát triển, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng và cả nước.

                                 (Lãnh đạo địa phương kiểm tra các công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn Tỉnh)

Cùng với đó, Tỉnh luôn chăm lo phát triển văn hóa, xã hội; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo tốt. Nhờ vị trí địa lý và địa hình, cộng thêm lịch sử hình thành hết sức đặc biệt, xứ Huế được ưu đãi cả về thiên nhiên trữ tình và thơ mộng cùng với những giá trị văn hóa đặc trưng, một điển hình của văn hóa truyền thống Việt Nam. Cố đô Huế cũng là nơi đang lưu giữ những giá trị di sản văn hóa quan trọng của đất nước. Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Đây là niềm tự hào của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Do đó, trong chiến lược phát triển, Tỉnh luôn chú trọng tạo sự cân bằng giữa việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa với nhu cầu phát triển đô thị hiện đại. Đây là nhu cầu tất yếu bảo đảm cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của Huế, tạo thế cân bằng trong phát triển với các vùng khác của đất nước: kết nối Huế - Trung tâm văn hóa đặc sắc với hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội - Trung tâm chính trị, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế.

Nhận thức đúng hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Tỉnh đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và xã hội, huy động các nguồn lực đảm bảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Triển khai có hiệu quả nhiều đề án, phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, hội nhóm bất hợp pháp và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; không để bị động, bất ngờ, phát sinh “điểm nóng”. Quan tâm đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong mọi tình huống. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, các hoạt động hữu nghị, hợp tác, giao lưu, đối ngoại nhân dân trên cả ba lĩnh vực: ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa được đẩy mạnh. Đến nay, Tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị, kết nghĩa với 45 quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam, Thừa Thiên Huế trong khu vực và quốc tế.

Trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển, với truyền thống văn hóa, lịch sử của mình cùng vị trí, vai trò là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trọng điểm về quốc phòng, an ninh, Thừa Thiên Huế đã và đang phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để hội nhập và phát triển, để đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng của Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

LÊ TRƯỜNG LƯU, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn: tinhuytthue.vn

Trần Quý Trọng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.808.220
Truy cập hiện tại 3.136