Trong định hướng xây dựng đô thị di sản đặc trưng trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế, dù đặc thù đến đâu thì tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải tham chiếu Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong Thuyết minh tổng hợp đề án “Xây dựng bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản” được trình bày ở cuộc họp tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 5/3/2020, thì “nút thắt” trọng yếu cho mọi vấn đề ở đây là các tiêu chí “2. Quy mô dân số” đề nghị giảm 50% so với mức quy định và “5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị” đề nghị giảm 70% so với mức quy định. Đó là còn chưa nói đến tiêu chí “1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “3. Mật độ dân số” - đều đề nghị không áp dụng điểm liệt, tiêu chí “4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp” không thấy giải trình cụ thể.
Rõ ràng, vấn đề cơ bản là phải nhấn mạnh, nêu bật và khẳng định nét riêng, nội lực bản sắc đặc trưng từ di sản văn hóa để phát triển đô thị Huế hay Thừa Thiên Huế, mang sắc thái riêng. Muốn vậy, ngoài lý thuyết tiếp cận về bảo tồn di sản đô thị của MIT (tr. 45), lý thuyết về hồi sinh đô thị di sản lịch sử với khoa học bảo tồn (tr.48), chúng tôi cho rằng, Thừa Thiên Huế với hạt nhân là đô thị di sản Huế, phải bổ sung hai lý thuyết tiếp cận tối cần thiết là (1) lý thuyết nghệ thuật cảnh quan truyền thống cổ điển (có thể hiểu nôm na là nghệ thuật phong thủy) và (2) lý thuyết tái tạo truyền thống, theo hướng thổi hồn, thiêng hóa, viết nên những câu chuyện đậm chất lịch sử - văn hóa để gắn kết di sản văn hóa với sản phẩm du lịch.
Ở một vùng tựa núi sát biển, nằm kẹp giữa Hoành Sơn - Hải Vân Sơn, Bình Trị Thiên và xứ Huế từ trong lịch sử, đã được kiến tạo nên như một tiểu vùng khí hậu và văn hóa. Chính điều kiện thiên nhiên khó khăn khắc nghiệt của nắng lắm mưa nhiều, biên độ dao động - biến động đột ngột của thời tiết nên con người phải chủ trương sống hài hòa với thiên nhiên, đỉnh cao là Thái hòa để giải quyết mối quan hệ giữa con người - con người, con người - thiên nhiên. Nhờ đó, nghệ thuật phong thủy truyền thống cổ điển đã tạo nên mô hình nhà vườn - nhà rường độc đáo, vườn chùa, vườn phủ đệ, vườn lăng tẩm và rộng lớn hơn, bao trùm hơn là cả thành phố vườn. Trong bức tranh sơn thủy hữu tình từ biển cả - đầm phá - vùng cát nội đồng - đồng bằng - trung du - miền núi, các công trình kiến trúc truyền thống khiêm tốn nép mình, hài hòa tuyệt mỹ vào thiên nhiên, đặc biệt là dọc các lưu vực sông.
Theo nguyên tắc đó, văn hóa Huế truyền thống chú trọng kiến tạo và giữ gìn không gian sống xanh - sạch - đẹp thoáng đãng xung quanh với tỉ lệ xây dựng rất khiêm tốn, hài hòa, từ khía cạnh tỉ trọng diện tích, chiều cao, vật liệu, màu sắc... Tinh thần chủ đạo xuyên suốt đó là thành tựu cô đọng nhất của cả dân tộc thời mở cõi, dấu ấn đậm nét thời Đàng Trong, rồi thời Nguyễn, dấu ấn giao lưu Việt - Pháp đầu thế kỷ XX... đã làm nên dáng vẻ, thuộc tính và căn cốt Huế, ít nơi nào có thể so sánh được. Chính điều này là cơ sở để thuyết minh cho tỉ lệ các công trình xây dựng ở Huế, cả về chiều rộng lẫn chiều cao, thực sự mang nhiều yếu tố đặc trưng, có thể lấy làm căn cứ để xây dựng quy chế, hệ tiêu chí đặc thù một cách phù hợp, “rất Huế”, theo đúng xu hướng kiến tạo - tái tạo môi trường sống đậm chất sinh thái của nhân loại.
Bổ sung thiết thực cho việc trao truyền nguồn sống trong “căn cốt Huế” chính là lý thuyết tái tạo truyền thống, thổi hồn lịch sử văn hóa qua những câu chuyện để thiêng hóa những giá trị truyền thống đặc trưng. Huế nhỏ trong không gian địa lý, khiêm tốn với những công trình hòa vào thiên nhiên tuyệt mỹ nhưng Huế lưu danh sử sách nhờ đảm đương sứ mệnh tiền đồn thời cả dân tộc mở cõi, trọng trấn phương Nam thời Đàng Trong, kinh đô cả nước thời Tây Sơn và thời Nguyễn, nơi hòa quyện và rõ nét nhiều giá trị tinh hoa của quá trình giao lưu Đông Tây hội ngộ Pháp - Việt... Trong vai trò và sứ mệnh thiêng liêng cao cả đó, Huế là nơi tụ hội của các nguồn sản vật đặc trưng lẫn nhân tài tinh hoa. Các yếu tố độc đáo cần chú ý để làm nên một xứ Thần kinh (kinh đô thời Nguyễn) và Thiền kinh (trung tâm Phật giáo), cộng thêm yếu tố văn minh phương Tây thời Pháp đầu thế kỷ XX chính là những trụ cột phác thảo nên diện mạo, sắc thái Huế đặc trưng.
Từ kinh đô trở thành Cố đô, Huế phải đối diện với những khó khăn vô cùng nặng nề khi không còn là một trung tâm, buộc Huế phải biết tận dụng mọi lợi thế để phát triển, đặc biệt xây dựng Huế thực sự trở thành một trung tâm văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo và y tế chuyên sâu. Về lịch sử văn hóa, Huế thực sự là một bảo tàng sống chính danh cho những câu chuyện gắn liền thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, hiện hữu mồn một qua từng di tích, cổ vật và nhân vật. Vấn đề nghiên cứu, trùng tu và phát huy giá trị di sản truyền thống được hệ thống hóa, nâng lên thành quy trình kỹ nghệ, thì Huế thực sự là một điển hình cho những loại hình giáo dục đặc biệt này đối với cả nước và khu vực. Hơn nữa, với tinh thần tụ hội tinh hoa ngành nghề thủ công cả nước thời Nguyễn, Huế xứng danh là một đại quan xưởng để tái hiện, trao truyền và phát huy di sản tinh hoa nghề thủ công, trở thành những “thượng phẩm” độc đáo cho giáo dục truyền thống, cho thị trường du lịch. Thêm vào đó, cần chú ý vai trò to lớn trong giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh của Đại học Huế và Bệnh viện Trung ương Huế - Trường đại học Y dược Huế. Cho nên, trên nền cảnh quan sinh thái tự nhiên yên bình độc đáo đó, Huế không quá chú trọng cực đoan tới chỉ tiêu dân số đông đúc để tập trung cho mục tiêu thu hút nguồn lực đào tạo và thu hút du khách, ở những mức độ phù hợp, đúng nghĩa “bền vững”.
Có như vậy, hai trong những “nút thắt” quan trọng trong hồ sơ đô thị di sản đặc trưng của Huế sẽ có cơ sở tham chiếu vững chắc để gỡ, để hoàn chỉnh và phát huy vai trò, giá trị độc đáo của nó.