Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Ảnh hưởng của trạm phát óng di động (BTS) đến sức khỏe con người
Ngày cập nhật 30/12/2020
Các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực đông dân cư. Song song đó, số lượng người dân thắc mắc về ảnh hưởng của BTS cũng ngày càng nhiều. Một số hộ dân thắc mắc về mức độ ảnh hưởng của các trạm BTS đến sức khỏe con người, còn tâm lý e ngại khi các nhà mạng di động khảo sát lặp đặt trạm. Đề giải quyết các thắc mắc của người dân, Ủy ban nhân dân xã cung cấp một số thông tin liên quan đến trạm BTS để người dân tham khảo như sau:

 

Tại sao cần xây nhiều trạm BTS?
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 6 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động (TTDĐ) mặt đất, sử dụng 2 hệ thống điện thoại di động thông dụng đó là: sử dụng công nghệ GSM (mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, Gtel, Vietnamobile) và CDMA (Sfone). Cả 2 hệ thống đang phục vụ khoản 151,2 triệu thuê. Với số lượng thuê bao lớn như vậy, nhất là tại các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., các nhà mạng phải xây dựng các trạm BTS với mật độ cao để đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ.
 
Gần đây, các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng thôg tin di động để đáp ứng việc phát triển các dịch vụ trên nền 3G dẫn đến các BTS ngày càng dày đặc. Khoảng cách giữa các BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G ở vào khoảng 2 km thì nay rút ngắn còn 800m. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có trên 50.000 BTS (riêng ở tỉnh Kon Tum ta có hơn 510 trạm).
 
Quy trình xây trạm BTS phải thực hiện như thế nào?
 
Theo quy định của Thông tư số 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT ngày 11/12/2007 của Liên Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu phát sóng thông tin di động ở các đô thị và Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 18/9/2008 của UBND tỉnh Kon Tum quy định khu vực phải xin phép và thẩm quyền cấp phép xây dựng các trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó doanh nghiệp thông tin di động muốn xây dựng, lắp đặt trạm BTS thì phải xin chủ trương của UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông), sau khi cơ quan chức năng có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp mới tiến hành lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo quy định tại Điểm 1, Mục II Thông tư số 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT. Thẩm quyền cấp phép xây dựng Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cấp phép trong phạm vi địa giới hành chính thuộc quyền quản lý.
 
Để đưa trạm BTS đi vào hoạt động cần những điều kiện gì?
 
Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư 09/2009/TT-BTTTT ngày 24/03/2009 về kiểm định và công bố sự phù hợp đối với công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông và Thông tư 11/2009/TT-BTTTT về danh mục công trình viễn thông bắt buộc công bố sự phù hợp. Theo đó thì từng BTS lắp đặt mới trong thời gian 90 ngày kể từ ngày đưa công trình vào khai thác sử dụng phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3718-1:2005 thì mới được hoạt động, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về tiếp đất, chống sét bằng hình thức công bố sự phù hợp (có nghĩa là tất cả các trạm BTS không có trạm nào gây ra mức phơi nhiễm vượt mức giới hạn cho phép 2W/m2 (hoặc 27,5V/m) trong khu vực dân cư sinh sống, đi lại xung quanh trạm phát sóng BTS). Đối với các BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăngten làm cho các tiêu chí về an toàn trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) thì phải kiểm định lại.
 
Người dân có thể nhận biết các trạm BTS đã được kiểm định vì theo quy định trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày trạm BTS được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tổ chức, doanh nghiệp phải niêm yết bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt trạm.
 
Các trạm BTS có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người hay không?
 
Sóng điện thoại di động là sóng điện từ trường, các trạm phát sóng điện thoại di động thường xen lẫn các khu dân cư, vì vậy việc nghiên cứu về ảnh hưởng của sóng điện thoại di động tới sức khoẻ con người ngay từ khi xuất hiện điện thoại di động đã là vấn đề quan tâm không chỉ riêng Việt Nam, mà của hầu hết các nước và nhiều tổ chức quốc tế.
 
Trên thế giới, tính đến nay có khoảng 5 tỷ máy di động và các mạng di động này đều sử dụng cấu trúc tế bào có nghĩa là với một khoảng cách nhất định cần có một trạm thu phát sóng (BTS) để phục vụ các máy di động trong khu vực. Đối với quốc tế, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với khu vực sinh sống của người dân.
 
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”.
 
Trong quá trình xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005,  Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho các đơn vị chức năng về phương diện kỹ thuật và công nghệ là: Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng, các đơn vị nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Bưu chính viễn thông là 3 cơ quan đứng đầu về mặt phát triển công nghệ, các cơ sở nghiên cứu mạnh, nghiên cứu về các kỹ thuật, các thông số của các trạm thu phát sóng và các máy điện thoại di động. Bộ Khoa học và công nghệ cũng giao cho các Viện nghiên cứu khác liên quan đến sức khỏe con người như Viện Y học Lao động vệ sinh môi trường của Bộ Y tế, Khoa Y học vệ sinh môi trường của Học viện quân y, Viện Nghiên cứu kỹ thuật và Bảo hộ lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu những ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cũng như tới môi trường, động thực vật, sinh sống và tồn tại. Cho đến nay các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nhưng kết quả ban đầu rất quan trọng cho thấy: Với dải tần số của sóng vô tuyến với công suất của các thiết bị của các trạm thu, phát và các thông số kỹ thuật của các máy điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để có thể khẳng định rằng sóng do các trạm thu, phát kể cả các máy điện thoại di dộng từng cá nhân sử dụng, gây ảnh hưởng xấu, có hại đến sức khỏe con người.
 
Để đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham khảo các tài liệu cũng như là toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn của một số tổ chức khoa học công nghệ thế giới và một số nước công nghiệp phát triển. Ví dụ như nghiên cứu các kinh nghiệm và kết luận của Tổ chức Y tế thế giới, của Uỷ ban Quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP), của Hiệp hội điện tử viễn thông của Hoa Kỳ và các tổ chức khác của Nhật, Úc và Liên minh Châu Âu. Kết quả cho thấy toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ quốc tế. Qua kết quả nghiên cứu của các cơ quan Việt Nam cho thấy thể chất của người Việt Nam có khác với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ, cho nên quy chuẩn có khuyến cáo sử dụng những mức độ thấp, tức là tiêu chuẩn cao hơn so với các quốc gia mà thể chất con người lớn và khỏe hơn người Việt Nam.
 
Tổ chức Y tế Thế giới WHO kết luận: “Các bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy phơi nhiễm trường điện từ của phổ vô tuyến phát xạ từ các máy điện thoại di động và các trạm thu, phát gốc không gây ung thư và không thúc đẩy ung thư phát triển”.
 
Khi xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn có liên quan đến sức khỏe con người, Bộ Khoa học và Công nghệ chú ý đến các loại bệnh sau: Bệnh thứ nhất là ung thư, trong đó có cả bệnh máu trắng. Loại bệnh thứ hai ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn là bệnh tim mạch và bệnh huyết áp. Thứ ba là ảnh hưởng tới hệ thần kinh tức là những cảm giác cảm nhận được như hoa mắt hoặc chóng mặt.
 
Cơ quan Bảo vệ bức xạ của Úc công bố đánh giá khoa học quốc gia và quốc tế rằng: “Chưa có bằng chứng thuyết phục sự phơi nhiễm trường điện từ do phổ vô tuyến mức công suấp thấp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”. Tương tự như vậy cơ quan an toàn sức khỏe môi trường của Cộng hòa Pháp kết luận: “Với sự quan tâm đối với bệnh ung thư xuất hiện chúng tôi chấp nhận mức công suất thấp trong điện thoại di động và mức bức xạ không gây ảnh hưởng đến các mô sống, các thí nghiệm trên động vật phơi nhiễm thời gian dài trong trường sóng điện từ, không gây xuất hiện ung thư hoặc thúc đẩy ung thư phát triển”.
 
Ủy ban truyền thông Hoa Kỳ đưa ra kết luận: “Không có bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa các trạm thu phát gốc BTS với bệnh ung thư và các bệnh khác như đau đầu, choáng váng, hoa mắt hoặc mất trí nhớ”. Uỷ ban bảo vệ sức khỏe Canada khẳng định: “Cho đến nay không có bằng chứng vững chắc chứng tỏ các bức xạ điện từ từ điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến con người”.
 
Các cơ quan có thẩm quyền của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cùng nhất trí rằng “không có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do các hệ thống trạm thu, phát sóng di động, các máy cầm tay có công suất dưới mức do Uỷ ban Quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) khuyến nghị”.
 
Để đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ của sóng vô tuyến nói chung, người ta sử dụng đại lượng SAR (Specific Absorption Rate - Chỉ số hấp thụ đặc trưng) là liều lượng hấp thụ năng lượng vô tuyến tại một khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể, đo bằng W/kg. Tại Việt Nam, với việc bắt buộc áp dụng Quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”, giá trị SAR được quy định là 0,4W/kg. Nếu so sánh giá trị này với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) là 2W/kg; Liên minh Châu Âu, Nhật là 2 W/kg; Mỹ, Úc là 1.6 W/kg, thì quy định của Việt Nam nghiêm ngặt hơn nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các Thông tư quy định về kiểm định công trình viễn thông theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ Quy chuẩn trên mới được hoạt động.
 
Người dân cần sống cách trạm BTS bao nhiêu để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của trạm?
 
Vấn đề không phải là quy định rõ khoảng cách an toàn mà cần đảm bảo nơi nào có sự có mặt của người dân (trừ cán bộ kỹ thuật) thì nơi đó phải an toàn.
 
Một trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định thì trạm BTS đó đủ điều kiện hoạt động và đảm bảo an toàn cho người dân.
 
Hiện nay pháp luật có quy định xử lý như thế nào về việc lắp đặt các trạm BTS không đúng tiêu chuẩn? Người dân cần liên hệ với cơ quan nào để phản ánh về vấn đề này?
 
Hiện nay, các doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS (chính xác là lắp cột anten) theo các hình thức như: lắp đặt trên cột tự đứng độc lập; lắp đặt trên cột cao của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như phát thanh, truyền hình hoặc lắp đặt trên nóc các công trình xây dựng có sẵn như của nhà dân, cơ quan…vì thế, sẽ không phù hợp thực tế nếu đưa ra quy định cứng về việc lắp đặt trạm BTS. Trên phương diện quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt khâu cuối cùng, tức là dù doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS ở đâu, theo hình thức nào, thì trước khi đưa trạm BTS vào khai thác, hoạt động phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định để đảm bảo an toàn cho người dân.
 
Bộ đã hướng dẫn các doanh nghiệp cần căn cứ vào các quy định, nghiên cứu và ban hành Quy trình xây dựng và hoàn thiện trạm thu phát sóng thông tin di động, bao gồm cả việc xử lý khi có các khiếu kiện của người dân.
 
Trước khi doanh nghiệp đưa trạm BTS vào khai thác, sử dụng thì doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục kiểm định cho trạm BTS đó. Nếu trạm BTS vi phạm quy định về an toàn bức xạ điện từ trường thì doanh nghiệp phải tiến hành khắc phục, trường hợp không thể khắc phục được thì theo quy định doanh nghiệp phải dừng hoạt động trạm BTS này hoặc di dời sang vị trí khác.
 
Người dân có thể liên hệ với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum hoặc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông quan để phản ánh vấn đề trên. Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm định an toàn bức xạ điện từ trường là Vụ Khoa học Công nghệ và Cục Viễn thông.
 
Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì có bị xử lý hay không?
 
Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, các doanh nghiệp di động thường xuyên phải nâng cấp, tối ưu mạng lưới của mình để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tốt nhất, qua đó người dân, khách hàng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt với chi phí ngày càng giảm, quyền lợi của khách hàng, của người dân được nâng cao.
 
Bên cạnh quyền lợi là vấn đề trách nhiệm: trạm BTS là thiết bị mạng viễn thông, là thành phần tạo nên hạ tầng viễn thông. Theo Điều 5 Luật Viễn thông quy định:
 
Điều 5. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin
 
1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
 
2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông không được gây hại đến môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội khác. Tổ chức, cá nhân trong các hoạt động của mình không được gây nhiễu có hại, làm hư hỏng thiết bị công trình, mạng viễn thông, gây hại đến hoạt động của cơ sở hạ tầng viễn thông.
 
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông công cộng, chủ mạng viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối của mình và tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng…”
 
Tại khoản 6 Điều 12 Luật Viễn thông quy định:
 
Điều 12. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông
 
6. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
 
Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì hành vi đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Thí dụ:
 
- Tại điều 41 của nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:  Làm hư hỏng đường dây cáp quang, ăng ten hoặc trang thiết bị của hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch và các thiết bị viễn thông khác thuộc mạng viễn thông cố định công cộng đường dài trong nước, quốc tế; mạng viễn thông di động công cộng, mạng viễn thông cố định vệ tinh công cộng, mạng viễn thông di động vệ tinh công cộng, mạng thông tin vô tuyến điện hàng hải công cộng.
 
- Hoặc việc cản trở lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.805.496
Truy cập hiện tại 2.275