Đó là một trong những yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đối với đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch trên địa bàn tỉnh tại buổi gặp mặt được tổ chức vào chiều nay (10/4) với đội ngũ làm công này. Tham gia buổi gặp còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo sở Tư pháp và các sở ngành liên quan.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 274 công chức tư pháp, hộ tịch. Trong đó, có 112 xã bố trí 02 công chức tư pháp, hộ tịch; 28 xã, phường, thị trấn do thiếu biên chế nên chỉ bố trí được 01 công chức tư pháp, hộ tịch. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong năm 2020 công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã tại địa bàn tỉnh đã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, các văn bản khác trong lĩnh vực tư pháp và đạt nhiều kết quả nổi bật. Đơn cử như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được công chức tư pháp, hộ tịch tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo đảm sự công khai, minh bạch của chính sách pháp luật. Công tác hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch, nuôi con nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội…
Theo bà Phan Thùy Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong năm 2020, số lượng hồ sơ TTHC do công chức tư pháp, hộ tịch tại UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận và giải quyết là 161.436 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 84,7% so với tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận & trả kết quả UBND cấp xã trên toàn tỉnh (190.450). Điều này cho thấy khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu các công chức tư pháp, hộ tịch phải tham mưu thực hiện. Bên cạnh đó, công chức tư pháp, hộ tịch còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý, tham mưu giúp UBND trả lời đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo… Tuy nhiên, với cơ sở vật chất, nhân lực còn thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến công việc của công chức tư pháp, hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp mặt
Tại buổi gặp mặt, nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ tư pháp, hộ tịch đã được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh như: Xem xét, phê duyệt Dự án số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh; hoàn thành kết nối liên thông phần mềm Đăng ký quản lý Hộ tịch và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh nhằm khắc phục việc nhập hồ sơ TTHC 02 lần gây lãng phí thời gian công sức công chức tư pháp – hộ tịch khi tiếp nhận giải quyết TTHC; bố trí mỗi xã phường ít nhất 02 công chức tư pháp – hộ tịch để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chứng thực, hộ tịch; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho hoà giải viên và kinh phí cho hoạt động hoà giải để động viên những người làm công tác hòa giải; quan tâm nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vất chất để nâng cao chất lượng công việc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những kết quả mà đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh những thành quả đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng làm công tác tư pháp, hộ tịch cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, qua đó rút kinh nghiệm, tìm ra bài học để kịp thời khắc phục trong thời gian sắp tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi thân mật, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của công chức tư pháp, hộ tịch
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành tư pháp tập trung quán triệt và triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành tư pháp, nhất là các văn bản pháp luật mới được ban hành và pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Công chức tư pháp, hộ tịch tiếp tục tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của công chức tư pháp, hộ tịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số, thanh toán không sử dụng tiền mặt theo phương châm 4 không (làm việc không giấy tờ - hội họp không tập trung – dịch vụ công không gặp mặt – thanh toán không dùng tiền mặt và 01 có (dữ liệu hồ sơ có số hóa), góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các mặt công tác, đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần dân, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
“Phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức tư pháp - hộ tịch trong tham mưu giải quyết các vấn đề tư pháp tại địa phương; lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả để đánh giá thi đua hàng năm, trong quá trình tiếp xúc với người dân phải hiểu dân nói và nói cho dân hiểu", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của ngành Tư pháp và giao các sở ngành liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu UBND tỉnh để có các quyết sách phù hợp, kịp thời quan tâm đến đội ngũ tư pháp, hộ tịch.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 20 công chức tư pháp, hộ tịch đã có thành tích xuất sắc trong công tác, đồng thời tặng quà cho những người làm công tác tư pháp, hộ tịch trên địa bàn (ảnh dưới).