Ngày 1/1/2022, Nghị quyết (NQ) số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức có hiệu lực. Các cơ chế, chính sách đặc thù này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ hội lớn, công cụ hỗ trợ, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới
Các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng KT-XH, đảm bảo cân đối hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, để cơ chế chính sách đặc thù thực sự phát huy hiệu quả phải có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp với những nỗ lực mạnh mẽ trong tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, tỉnh sẽ triển khai xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cùng kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực Thừa Thiên Huế tập trung phát triển
Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tản bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài…”
Cùng với những nhiệm vụ và giải pháp như trên, Tỉnh sẽ tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển KT-XH, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu. Bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế; giải quyết vấn đề di sản, giãn dân trong Kinh thành Huế,...
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022
Để tạo thế và lực cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Năm 2022, Tỉnh tập trung đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển KT- XH, triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất; hạ tầng phát triển du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng… nhằm phát triển bền vững KT- XH. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 38 của Quốc hội về áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm.
“Năm 2021 khép lại để hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho năm 2022. Với những gì mà tỉnh nhà đạt được trong năm qua, tôi kỳ vọng năm mới với nhiều đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Chính quyền sẽ nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, tăng gia sản xuất; du lịch mở cửa đón khách trở lại; học sinh, sinh viên được đến trường…Các nhà đầu tư lớn, năng lực cao, ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại tham gia nghiên cứu, đầu tư nhiều dự án tại Huế tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp vào thu ngân sách địa phương; Các dự án được triển khai nhanh chóng, đảm bảo tiến độ. Cơ chế, chính sách được Quốc hội, UBTVQH thông qua được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả, phát huy tinh thần tự lực tự cường, chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; huy động thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng hạ tầng sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa cả Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kỳ vọng.
Tập trung cho hoạt động sản xuất xuất nhập khẩu nhằm tạo động lực cho tăng trưởng phát triển kinh tế
Với những chương trình cụ thể và bước đi vững chắc, tin tưởng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.