Để phong trào thi đua tiếp tục đạt kết quả toàn diện, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, ngày 08/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 425/KH-UBND tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Thừa Thiên Huế chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ 87,2%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 34 xã, đạt tỷ lệ 40,2%; số xã đạt chuẩn kiểu mẫu là 09 xã, đạt tỷ lệ 11%. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu toàn tỉnh ít nhất có thêm 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong số 05 đơn vị phấn đấu, đưa tổng số đơn vị đạt chuẩn của tỉnh thành 05 đơn vị, đạt tỷ lệ 55%. Số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 01 huyện (huyện Quảng Điền). Phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 60% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đó, Kế hoạch triển khai các nội dung phong trào thi đua sau:
Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc thực hiện những chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để góp phần xã hội hóa xây dựng nông thôn mới. Tạo các điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với những lợi ích được thụ hưởng khi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Từng cấp phấn đấu hoàn thành sớm, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với các xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh; đối với các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ đạo các xã củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, phân công và quy định trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong tổ chức thực hiện; có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cho từng năm và cả giai đoạn (xác định những công việc, những tiêu chí cần được ưu tiên đầu tư và vận động nhân dân thực hiện); tổ chức tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận để các tầng lớp nhân dân tự giác hưởng ứng tham gia (đóng góp công sức, đất đai, tài sản, trí tuệ).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của Phong trào.
Năm 2023, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Ủy ban nhân dân các xã tổ chức sơ kết Phong trào thi đua đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.