Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ
Ngày cập nhật 19/04/2023
Sáng ngày 18/04, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ” và Phát động cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Đến dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
 
 

Liên kết, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Với những nỗ lực thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Chương trình khởi nghiệp Quốc gia chứng nhận đạt danh hiệu Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021 và vinh dự đạt được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022” .

Đánh giá tại hội thảo, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho rằng, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN), giúp nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu...

Mặc dù có nhiều thành quả trong việc đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhưng DN trên địa bàn có năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa cao, quy mô nhỏ thiết bị, trình độ công nghệ còn thấp, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ. Bên cạnh đó, rất ít DN có bộ phận nghiên cứu phát triển do vậy, việc cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, một số chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, nhằm tạo điều kiện về nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến trong quản lý hiện đại, kết nối khách hàng, tiếp cận thị trường mới, đồng thời tạo sức hút cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sáng tạo,... góp phần quan trọng nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng GDP của quốc gia, địa phương.

Đến tháng 12/2022, Sở KHCN thực hiện việc hỗ trợ chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND. Theo đó, có 84 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ với hơn 3 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để bắt kịp xu hướng trên thế giới hiện nay, cần dịch chuyển xu hướng từ “đổi mới sáng tạo” sang xu hướng đổi mới sáng tạo “mở” để phát huy sức mạnh nội tại kết hợp tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài, tìm kiếm các giải pháp công nghệ từ cộng đồng để giải quyết bài toán chiến lược cho DN dưới sự tác động của làn sóng công nghệ 4.0 cũng như sự thay đổi nhu cầu từ thị trường. “Xác định KHCN là chìa khóa góp phần vào sự thành công của DN. Do vậy, phát triển hệ sinh thái KNĐMST mở cần kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ mới; liên kết hệ sinh thái KNĐMST phát triển các dự án khởi nghiệp trên địa bàn; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Khi có ý tưởng phải thực tế hóa, tránh tình trạng đi trước nhưng lại về sau”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tại hội thảo

Phát huy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với đầu tư chuyển giao công nghệ tại Thừa Thiên Huế; giải pháp liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế trong hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ…

Ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST Quốc gia nêu quan điểm, khi quan tâm đến ĐMST, DN sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng và cộng đồng, tác động tích cực đến xã hội; tạo giá trị, nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hoá nguồn lực; tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Lý Đình Quân cho rằng, nguồn lực đầu tư của DN đang hạn chế, làm giảm khả năng tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới. Chưa có mối quan hệ và kết nối mạnh mẽ với đối tác, nhà khoa học, cộng đồng sáng tạo, nên khó khăn cho đổi mới và phát triển. Ngoài ra, DN còn thiếu hiểu biết về ĐMST, nên chưa thể tận dụng tối đa tiềm năng. “Với thực trạng hiện nay, DN cần thúc đẩy các hoạt  động giáo dục cho cộng đồng DN; nâng cao năng lực ĐMST cho các hiệp hội DN; kiến tạo các không gian kết nối định kỳ và thường xuyên; thiết lập hệ thống thông tin, truyền thông, kết nối DN với cộng đồng ĐMST. Thúc đẩy xây dựng mạng lưới tư vấn viên về ĐMST và doanh nghiệp để nâng cao năng lực doanh nghiệp…”, ông Lý Đình Quân nêu giải pháp.

Sau khi dẫn chứng về bài học chiến lược chuyển giao công nghệ blockchain của Hà Lan và một số thành tựu trong ĐMST thông qua chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ truyền thông, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Hồng Quất nhấn mạnh về giải pháp liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST Quốc gia kết nối trong hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ.

Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Hồng Quất trình bày tại hội thảo

Theo Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Hồng Quất, chuyển giao công nghệ là một thành phần của ĐMST, nên liên kết ĐMST mở trong hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ, trong đó có vấn đề tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn lực, đào tạo nhân lực.

Trước thực tế chỉ 3% DN gọi vốn thành công trong tổng số hơn 3.000 DN KNĐMST tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tập trung ở khối tư nhân, khối công lập chưa thể hiện được sự ảnh hưởng, không tương xứng với nguồn lực đang có, ông Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới và sáng tạo, Đại học Huế cũng nêu các giải pháp  nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học vào doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.

Tại hội thảo cũng đã phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; ký hợp đồng tài trợ kim cương Giải thưởng Cuộc thi KNĐMST tỉnh 2023.(ảnh dưới)

 

Nguồn:thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.807.591
Truy cập hiện tại 3.020