Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Ngày cập nhật 13/06/2022
Sáng ngày 10/6, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm, ngày thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (1982 – 2022). Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Chistian Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam; và đại diện Cục Di sản văn hoá, lãnh đạo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành tại tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tặng hoa chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tặng hoa chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
 
 

40 năm trước, ngày 10/6/1982, Di sản Cố đô Huế đang đứng trước nguy cơ đứng bên bờ vực bị xoá sổ. Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã kịp thời đề ra giải pháp để cứu vãn Di sản Huế, đầu tiên là quyết định thành lập một đơn vị chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc lập kế hoạch phục hưng, cứu vãn Di sản Cố đô Huế và chính từ đó Công ty Quản lý Di tích lịch sử và Văn hóa Huế, tiền thân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày nay được thành lập, với chức năng và nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế. Đây cũng chính là bước ngoặc to lớn cho công cuộc phục hưng Di sản Huế.

Cũng chính từ đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để cứu vãn Di sản, từ chỗ đang ở trong tình trạng lâm nguy và sự quên lãng, Di sản Cố đô Huế đã lột xác, hồi sinh mạnh mẽ; Di sản Huế đi từ sự hoang tàn, đổ nát được nhanh chóng phục hồi, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững. Đến nay, Huế tự hào đã có 05 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Toàn cảnh Đại Nội Huế

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay các di tích đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển. Hầu hết các di tích được thường xuyên bảo quản bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại Nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định),... và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường, điện chiếu sáng trong các khu vực di tích được tập trung chỉnh trang sạch đẹp, gọn gàng.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực, Trung tâm đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (2017), Huân chương Lao động Hạng Ba (1996), Hạng Nhì (2001) và Hạng Nhất (2006), trong nhiều năm liền đã nhận được Cờ Thi đua xuất xuất về ngành Bảo tồn Bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiều tập thể và cá nhân trong Trung tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, bằng khen của các Bộ ngành TW…

Trung tâm cũng đã được trao 03 Giải A Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ cho 02 bộ Hồ sơ khoa học công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho Quần thể di tích Cố đô và Nhã nhạc, công trình Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế; Giải Vàng Sách Hay toàn quốc năm 2006 và 2008 cho bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên,…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn rằng, trong giai đoạn sắp đến, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hơn nữa những gì đã đạt được. Sáng tạo và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị Di sản Huế, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, cùng lãnh đạo tỉnh và nhân dân trong toàn tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc Văn hóa Huế.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đẩy mạnh kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực kể cả nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để chung tay phát triển Di sản Văn hóa Cố đô Huế thành một thương hiệu “Phát triển bền vững”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến luôn mới lạ và hấp dẫn du khách và quan trọng nhất là phải dám quyết tâm đổi mới để phát triển, đây thực sự là vấn đề cốt lõi trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Nhân sự kiện 40 năm thành lập Trung tâm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương gửi lời cảm ơn đến Đảng, nhà nước, chính phủ, các bộ ngành, những tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã có những đóng góp cho sự phát triển của Di sản Huế. Đặc biệt, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và lời cảm ơn sâu sắc đến các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đưa Di sản Huế đi lên và ngày càng có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh hôm nay.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế (ảnh dưới).

 

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.339.207
Truy cập hiện tại 1.787